Theo các thống kê từ Euromonitor và Globaldata, trung bình mỗi du khách quốc tế chi tiêu 673 đô la, trong khi mỗi du khách nội địa chỉ chi ra 61 đô la, tương đương một phần mười của chi tiêu khách quốc tế. Sự chênh lệch lớn về mức chi tiêu trung bình giữa du khách quốc tế và du khách nội địa tại Việt Nam đã được khảo sát vào năm 2019. Tiếp đón 1 triệu khách du lịch quốc tế có thể mang về doanh thu tương đương 10 triệu khách du lịch nội địa. Điều này có nghĩa là nếu các dự án nghỉ dưỡng tập trung khai thác tốt nhóm khách du lịch quốc tế, hiệu quả kinh tế sẽ vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Tuy vậy, tình hình thực tế tại Việt Nam cho thấy hoạt động du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng tại các thành phố du lịch quốc tế như Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc thường tập trung nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng trên toàn cầu. Trong khi đó, các địa điểm du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Quy Nhơn… thu hút đông đảo khách du lịch nội địa nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ các tập đoàn khách sạn quốc tế.
Sự khác biệt về mức chi tiêu giữa hai loại khách du lịch này có thể nằm ở văn hóa trải nghiệm du lịch. Khách du lịch quốc tế thường chọn các khu nghỉ dưỡng của các thương hiệu quốc tế như Marriott, Hyatt, IHG… bởi họ tin tưởng vào chất lượng và uy tín của những đơn vị này, và mong muốn có một kỳ nghỉ dưỡng hoàn hảo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngược lại, khách du lịch nội địa có xu hướng tiết kiệm chi phí cho nơi lưu trú, để có thêm tiền cho các hoạt động khác như mua sắm và trải nghiệm. Hiện nay, mặc dù khách du lịch nội địa đã bắt đầu thay đổi và ưu tiên chọn những khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng hành vi tiêu dùng trong quá trình lưu trú tại những khu nghỉ dưỡng này vẫn có xu hướng “khiêm tốn hơn” so với khách hàng quốc tế.
Để phát triển các khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 sao quốc tế, mỗi dự án cần tập trung vào việc phát triển tiện ích đa dạng và đẳng cấp nhằm kích thích khách hàng trải nghiệm và tạo điều kiện cho họ tiêu dùng nhiều hơn, thay vì chỉ tập trung vào số lượng phòng.
Chủ đầu tư cũng nên xem xét việc hợp tác với các tập đoàn quản lý khách sạn lớn trên thế giới để tận dụng kinh nghiệm, danh tiếng và cơ sở khách hàng hiện có. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tránh bị ảnh hưởng bởi tình hình du lịch địa phương. Một mô hình nổi bật có thể kể đến là Branded Residences (Bất động sản hàng hiệu), đây là một trong những loại hình bất động sản phổ biến hiện nay, giúp khu nghỉ dưỡng đáp ứng xu thế du lịch trong tương lai và tăng cường sức cạnh tranh.
Với thiên nhiên, khí hậu và các bãi biển đẹp, Việt Nam có tiềm năng du lịch quốc tế lớn. Sự xuất hiện của các thương hiệu khách sạn quốc tế cũng sẽ thúc đẩy phát triển và cạnh tranh trong thị trường du lịch Việt Nam. Điều này tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước ra thị trường quốc tế và đồng thời đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư trong việc tạo ra các sản phẩm khác biệt và nổi tiếng.
Tổng hợp từ bài viết “Vì sao khách du lịch quốc tế lại quan trọng đối với sự thành công của các dự án nghỉ dưỡng?” của Nguyễn Lê Quốc Nhân